Hiện nay, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Nguyên nhân căn bản khiến công tác xử lý tình trạng vi phạm ATTP chưa hiệu quả là bởi chưa trả lời được câu hỏi, trách nhiệm thuộc về ai?

Ngày 5/4/2018, tại Hà Nội, trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp cục an toàn thực phẩm (ATTP) – bộ Y tế, tổ chức hội thảo Hợp tác truyền thông ATTP.

Hiện nay, truyền thông về thực trạng ATTP là vấn đề được toàn xã hội rất quan tâm, tuy nhiên kết quả thu được vẫn còn rất hạn chế. Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Nguyên nhân căn bản khiến công tác xử lý tình trạng vi phạm ATTP chưa hiệu quả là bởi câu trả lời cho câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai vẫn chưa rõ ràng.

Chính vì vậy, hội thảo lần này được tổ chức với sự tham gia của các cơ quan quản lý: Bộ Y tế, bộ Công Thương, bộ NN&PTNT, các cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan truyền thông báo chí, các chuyên gia truyền thông, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội dưới sự chủ trì của cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP với chuyên gia truyền thông nhằm đưa ra những góc nhìn đa chiều về vấn đề này.

Tại đây, các bài phát biểu, tham luận của đại biểu chủ yếu tập trung vào các vấn đề liên quan đến thực trạng công tác truyền thông ATTP của các bên liên quan. Qua đó, xác định trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin và xử lý phản hồi liên quan tới lĩnh vực ATTP, đóng góp các kiến nghị, giải quyết thiết thực để tháo gỡ, khắc phục những vấn đề tồn tại của công tác truyền thông.


Ông Trần Ngọc Thanh- Phó Chủ tịch hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam trao đổi vấn đề truyền thông về ATTP từ góc nhìn của các tổ chức xã hội- nghề nghiệp.

Trong buổi làm việc, ông Trần Ngọc Thanh- Phó chủ tịch hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng: “Hiệu quả công tác truyền thông chưa cao, chưa kết nối được thực phẩm sạch hay các địa chỉ xanh với người tiêu dùng. Đôi khi chưa công khai được cơ sở vi phạm ATVSTP, các địa chỉ đỏ trên phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông tư vấn trực tiếp của cán bộ có chuyên môn y tế, nông nghiệp hầu như chưa được quan tâm, kiến thức và hiểu biết về ATVSTP của người dân còn rất hạn chế…”.


Toàn cảnh hội thảo.

Bên cạnh đó, một trong những cản trở khiến cho câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai trở nên khó trả lời mỗi khi có một vụ việc vi phạm về ATTP, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là xuất phát từ chính hạn chế trong nhận thức về luật ATTP. Cho tới hiện tại, nhiều người vẫn hiểu theo tinh thần của pháp luật cũ trước năm 2010, khi vẫn nói “ruộng chuồng của bộ Nông nghiệp, chợ của bộ Công thương, bàn ăn của bộ Y tế”. Nghĩa là, một sản phẩm thực phẩm vi phạm thì cơ quan nào cũng phải chịu trách nhiệm - từ nơi trồng trọt, chăn nuôi cho đến lúc lên bàn ăn. Điều này dẫn tới tình trạng “cha chung không ai khóc”, tức là không ai chịu nhận trách nhiệm về mình khi xảy ra vi phạm.

Còn từ năm 2010 đến nay, việc quản lý được thực hiện theo ngành dọc. Đối với từng sản phẩm, gần như chỉ có một ngành chịu trách nhiệm quản lý từ khâu sản xuất kinh doanh đến bao bì đóng gói sản phẩm đó. Ví dụ như, đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng thì thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Y tế. Còn đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột… thì lại thuộc ngành Công thương.

Khi đã nắm rõ quy định như vậy, đối với mỗi vụ việc, đều có thể xác định rất rõ trách nhiệm của cơ quan nào, ngành nào… và báo chí có thể chất vấn rất đúng trọng tâm, có được những câu trả lời chính xác để phản ánh đến công chúng.

Theo như nhà báo Tuấn Anh (VTV24) có chia sẻ: "Lâu nay, gần như việc xử lý vi phạm an toàn thực phẩm chỉ có cơ sở vi phạm bị xử phạt là chính, còn các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý liên quan trên địa bàn gần như rất ít khi bị xử lý hoặc là sờ tới. Dù cho, quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ quan quản lý đã rất rõ trong luật An toàn thực phẩm hiện nay". 

Không chỉ ở cấp Trung ương mà theo luật định, trách nhiệm cũng được chỉ rõ ở quản lý cấp địa phương. Bởi có 1 điều mà chính lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan thừa nhận, đã có rất nhiều cuộc thanh tra nhưng đến cuối cùng, người bị xử lý lại là cơ sở sản xuất tiểu thương, còn các cơ quan quản lý địa phương hầu như không bị sờ tới.

Phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương từ cấp phường, xã cho đến quận huyện khi xảy ra vi phạm an toàn thực phẩm thì vấn nạn về ATTP mới được xử lý có hiệu quả hơn. Đây chính là thông điệp mà cuộc hội thảo này hướng tới.
 

Ở Việt Nam, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Trung bình mỗi năm có khoảng gần 170 vụ với hơn 5.000 người mắc và hơn 27 người chết do ngộ độc thực phẩm. Giai đoạn 2011 – 2016 đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm, làm hơn 4 triệu người mắc bệnh khiến 123 người chết. Bệnh ung thư mỗi năm khiến 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới. Trong đó, có một phần nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn. Theo điều tra của hiệp hội Ung thư thế giới, 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc từ thực phẩm không an toàn và có thể phòng được. Theo thống kê của bộ Y tế, trong 10 nguyên nhân gây tử vong thì nguyên nhân do vi sinh vật gây bệnh đường ruột đứng thứ 2.

Số liệu của tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho thấy, trong 5 năm (2011-2015), mỗi năm Việt Nam chi khoảng nửa tỷ USD để nhập khẩu về khoảng 100 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật với 4.100 loại thương phẩm khác nhau thuộc 1.643 hoạt chất hóa học để sản xuất thuốc trừ sâu hóa học. Cùng với đó, nhiều loại hóa chất cấm vẫn được nhập lậu như phospho hữu cơ, clo hữu cơ, wofatox, monitos, kelthane… là một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay.

Như vậy, có thể thấy, thực trạng thực phẩm bẩn hiện nay đã tới mức báo động đỏ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển ngành Nông nghiệp mà còn đe dọa sức khỏe và cả tính mạng của cộng đồng.    

Nguồn: nguoiduatin.vn

Bình luận

Tin khác