Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế nhận được công văn của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI); Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham Vietnam); Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Hiệp hội Sữa Việt Nam và một số các doanh nghiệp khác về các vấn đề liên quan đến việc công bố sản phẩm thực phẩm của doanh nghiệp.

Trong các công văn của các đơn vị gửi đến đều đánh giá rất cao việc cải cách các thủ tục hành chính của Cục An toàn thực phẩm trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan cho các doanh nghiệp, đặc biệt là việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 cho các thủ tục hành chính: Cấp giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; Cấp đổi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm. Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đã tạo điều thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại….Việc Cục An toàn thực phẩm kết nối thành công với Cổng thông tin một cửa quốc gia phân hệ Bộ Y tế 02 thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm, ban hành Thông tư 52/2015/TT-BYT ngày 21 tháng 12 năm 2015 “Quy định việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu và hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế”  trong đó có nhiều điểm mới, tạo rất nhiều điều kiện tốt cho các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu và thông quan hàng hóa. Tuy nhiên trong quá trình triển khai có một số các vướng mắc sau:

1. Chưa có quy định khoảng dung sai đối với các chỉ tiêu công bố;

2. Thời gian xác nhận phí và lệ phí còn chậm;

3. Nội dung công văn sửa đổi, bổ sung chưa rõ ràng.

Sau khi tập hợp các ý kiến của các đơn vị liên quan, đồng thời được sự chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế, ngày 26/6/2016 và ngày 04/7/2016 Cục An toàn thực phẩm dưới sự chủ trì của đồng chí Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cùng với các đồng chí Phó cục trưởng và toàn bộ lãnh đạo các phòng chuyên môn đã tổ chức 02 buổi làm việc trực tiếp với đại diện của VCCI và Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham Việt Nam).

Tại các buổi làm việc, trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn và đối thoại trực tiếp, Cục An toàn thực phẩm đã khẳng định:

A. Các quy định liên quan đến việc kinh doanh, sản xuất thực phẩm tại Việt Nam ngoài việc phải tuân thủ các quy định của Việt Nam thì đều phù hợp với các thông lệ quốc tế nhất là với các quy định của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

B. Về việc giải quyết thủ tục hành chính qua mạng đồng chí Cục trưởng giải thích:

Qua gần 02 năm thực hiện, hàng chục nghìn các thủ tục đã được giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 là một cố gắng rất lớn của Cục An toàn thực phẩm, được tất cả các đơn vị liên quan cũng như các doanh nghiệp đánh giá rất cao tuy nhiên đây là phần mềm mới đưa vào áp dụng nên không thể tránh khỏi quá tải cũng như những trục trặc trong quá trình vận hành.

Khi có những vấn đề phát sinh Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã nhanh chóng chỉ đạo các biện pháp khắc phục như: Đề nghị cho xây dựng đường truyền riêng để tránh quá tải trên mạng, cử các cán bộ thường trực hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp (kể cả ngoài giờ hành chính) vì vậy hiện nay các trục trặc về mạng đã được hạn chế tối đa.

C. Về thủ tục thanh toán:

Dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 yêu cầu thanh toán qua Ngân hàng hoặc qua Keypay. Khi thanh toán qua ngân hàng, Cục An toàn thực phẩm chỉ xác nhận được phí và lệ phí khi tiền từ ngân hàng đến tài khoản của Cục An toàn thực phẩm.

Để tránh việc chậm trễ do nguyên nhân không phải từ Cục An toàn thực phẩm, trong thời gian từ cuối tháng 7 hoặc là đầu tháng 8/2016 việc thanh toán tiền phí, lệ phí sẽ được cải tiến và thực hiện hoàn toàn tự động qua Keypay.

D. Về khoảng dung sai các chỉ tiêu công bố có trong thực phẩm:

Các doanh nghiệp đề nghị:

Đối với các vitamin và khoáng chất (các nguyên tố vi lượng): Mức công bố tối thiểu là -20% so với nhãn; Mức tối đa là phụ thuộc vào mức cho phép theo Thông tư 43/2014/TT-BYT ngày 24 tháng 11 năm 2014 “Quy định về quản lý thực phẩm chức năng” hoặc theo thông lệ quốc tế.

Đối với các chất dinh dưỡng khác thường chiếm khối lượng lớn trong sản phẩm (Carbonhydrat, protein, lipit): khoảng công bố là cộng trừ 20% so với nhãn. Ví dụ: trên nhãn hàm lượng protein ghi là 20%, khi kiểm nghiệm nếu kết quả là 16% thì vẫn đạt yêu cầu.

Về vấn đề này đồng chí Cục trưởng giải thích:

Theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” quy định: hàm lượng các chất khi kiểm nghiệm <70% giá trị ghi trên nhãn  thì sản phẩm đó là hàng giả, như vậy nếu doanh nghiệp đề nghị khi kiểm nghiệm chỉ bằng 80% giá trị ghi trên nhãn thì gần tương đương với hàng giả

Cục An toàn thực phẩm đề nghị doanh nghiệp ghi đúng khoảng thấp nhất trên nhãn ví dụ hàm lượng protein là 16% thì ghi trên nhãn là 16% còn nếu doanh nghiệp ghi là 20% thì phải có ghi chú rõ ràng là hàm lượng thực tế tối thiểu đạt 80% so với giá trị ghi trên nhãn để có thông tin minh bạch với người tiêu dùng.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất thực phẩm; Phù hợp với các quy định của pháp luật và các thông lệ quốc tế  song đồng thời phải đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm đề xuất nếu các tổ chức và doanh nghiệp vẫn chưa thỏa mãn,  Cục An toàn thực phẩm đề nghị tổ chức hội thảo về vấn đề này vào tháng 8/2016 để lấy ý kiến rộng rãi từ các doanh nghiệp, các hiệp hội, các cơ quan chức năng liên quan.

E. Về nội dung của các công văn sửa đổi, bổ sung hồ sơ: Cục An toàn thực phẩm xin tiếp thu và sẽ chỉ đạo các chuyên viên thẩm xét hồ sơ ghi rõ chi tiết sửa nội dung gì, theo văn bản nào, tránh trường hợp cùng một hồ sơ có nhiều công văn yêu cầu bổ sung không đầy đủ, không nhất quán.

Kết thúc buổi làm việc, VCCI và Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam đều đánh giá cao quan điểm thẳng thắn, cởi mở, minh bạch của Cục An toàn thực phẩm, đồng thời các bên đều thống nhất là: Khi có nội dung gì chưa rõ cần trao đổi kịp thời trên quan điểm tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động hợp pháp của doanh nghiệp, phù hợp với pháp luật Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế đồng thời bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.

VFA

Bình luận

Tin khác