Giới thiệu sản phẩm, công nghệ phục vụ phát triển ngành thủy sản của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
 
Sáng ngày 01/12/2022, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) tổ chức hội thảo “Giới thiệu sản phẩm, công nghệ phục vụ phát triển ngành thủy sản của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam”, tại khách sạn Ninh Kiều, TP.Cần Thơ.

Hội thảo tổ chức với mục tiêu giới thiệu các sản phẩm, công nghệ của Viện Hàn lâm, tạo cơ hội trao đổi tìm hiểu các vấn đề nội tại của địa phương và doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, hướng đến mục tiêu cốt lõi là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng cường chất lượng khoa học trong nghiên cứu ứng dụng tại địa phương.

GS.TS Phan Tiến Dũng, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Đến dự hội thảo có GS.TS Phan Tiến Dũng, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp (VCCI), GSTS. Nguyễn Hoàng Sơn, Viện Trưởng Viện Sinh học Nhiệt đới, PGS.TS. Hoàng Thị Kim Dung, Viện trưởng Viện Công nghệ Hóa học, hiệp hội doanh nghiệp, viện, trường đại học các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại hội thảo, PGT.TS. Phan Tiến Dũng, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ Việt Nam nhấn mạnh, theo định hướng chủ trương của Đảng và Nhà nước, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc xây dựng và phát triển đất nước là tạo lập hệ thống sáng tạo quốc gia, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp là trung tâm, các viện nghiên cứu, trường đại học là chủ thể nghiên cứu và phát triển, tạo cơ chế liên kết hữu cơ giữa Viện nghiên cứu với Doanh nghiệp trên cơ sở chia sẻ về trách nhiệm, cùng vượt qua khó khăn, thách thức để làm chủ công nghệ và vươn tầm khu vực. Hy vọng, đây sẽ là diễn đàn đổi mới sáng tạo, là cầu nối giữa doanh nghiệp, địa phương đến với các nhà khoa học, đến với sản phẩm/công nghệ nghiên cứu. Là cơ hội hợp tác, giao lưu, tìm hiểu những vấn đề và thách thức của doanh nghiệp, khó khăn trong triển khai ứng dụng của nhà khoa học, cùng bàn thảo và tìm giải pháp cho các vấn đề nội tại của doanh nghiệp, đẩy mạnh và tăng cường hàm lượng khoa học công nghệ trong các chuyển giao nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.

Tại hội thảo, đại biểu được tiếp cận những nội dung: Công nghệ nuôi trồng vi tảo và một số sản phẩm từ sinh khối vi tảo làm thức ăn trong nuôi trồng thủy sản; Ứng dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi tôm thâm canh; Ăn khỏe, lớn nhanh, ngăn ngừa dịch bệnh; Chung tay chống hàng giả, gian lận thương mại bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng; Cảm biến sinh học đo nhanh BOD trong nước thải nhà máy chế biến thủy hải sản; Nghiên cứu tạo chế phẩm vi sinh phòng, kháng bệnh thân đen và bệnh xuất huyết trên các sặc rằn (Trichogaster pectoralis); Phát triển công nghệ tạo thức ăn bổ sung kết hợp phòng bệnh cho thủy sản; Kháng sinh nano tích hợp Doxycycline -TlO2-AG; Ứng dụng vi khuẩn tía quang hợp trong nuôi trồng thủy sản; Phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp ở Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh; Nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến để tạo chuỗi sản phẩm có giá trị cao từ hải sản (hàu, cá và rong) Việt Nam tại Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên; Các sản phẩm khoa học công nghệ gắn với thực tiễn phục vụ nuôi trồng thủy sản tại Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng; Thiết bị phục vụ R&D trong lĩnh vực chế biến, bảo quản rau củ quả; Giải pháp công nghệ tuần hoàn (RAS) và Biofloc phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp (VCCI) phát biểu tại hội thảo

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp (VCCI) cho biết, để khai thác các cơ hội phát triển mới, nhiện vụ của doanh nghiệp là phải đổi mới mô hình kinh doanh, ứng dụng khoa học và công nghệ, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm. Hầu hết các doanh nghiệp đều quan tâm và mong muốn được thực hiện chuyển đổi số nhưng còn vướng nhiều rào cản thách thức khác nhau như năng lực, xây dựng chiến lược phát triển, giải pháp tối ưu và tìm kiếm các đối tác tin cậy.

GS.TS. Đặng Diễm Hồng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam trình bày tại hội thảo
TS. Hoàng Phương Hà, Phòng Công nghệ Sinh học tái tạo môi trường, Viện Công nghệ Sinh học trình bày tại hội thảo
 TS. Lê Văn Nhân, Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ Trình bày tại hội thảo
Đại biểu tham dự hội thảo

Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia,  nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển ngành thủy sản. Sự kiện sẽ mở ra cơ hội hợp tác và cùng nhau phát triển để từ đó tạo ra những thương hiệu quốc gia mang đẳng cấp quốc tế.

Bình luận

Tin khác