Sau gần 2 năm phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QRcode để truy xuất nguồn gốc nông sản trên thị trường Hà Nội, thực tế đã xuất hiện những bất cập, do người tiêu dùng thờ ơ, còn các đơn vị sản xuất chưa mặn mà...


Chỉ với một điện thoại thông minh có phần mềm quét mã, người tiêu dùng có thể nhận diện được nguồn gốc nông sản.

Tại một số siêu thị: Big C, Vinmart, Metro… và các cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố, nhiều mặt hàng nông sản đã được dán các loại tem truy xuất nguồn gốc. Song, rất ít người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh (smart phone) để truy xuất nguồn gốc thông tin về nhà sản xuất, quy trình chăm sóc, mà chỉ quan tâm thời hạn sử dụng của sản phẩm.

Bà Đinh Thị Thu Hà ở phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Nông sản bán trong siêu thị, cửa hàng tiện ích có dán tem truy xuất, vì vậy mỗi lần mua sản phẩm tôi đều tìm kiếm nguồn gốc nông sản thông qua tem có mã QRcode. Thế nhưng việc này chỉ áp dụng được một thời gian, bởi mỗi lần lựa chọn sản phẩm phải đưa điện thoại lên chụp ảnh, rồi tra cứu mất nhiều thời gian, bất tiện, nên không dùng nữa...”.

Trong khi nhiều người tiêu dùng còn thờ ơ với việc tra cứu nguồn gốc nông sản thông qua mã QRcode, thì người sản xuất cũng không mấy mặn mà. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) Trịnh Văn Vĩnh cho biết: Năm qua, hợp tác xã triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản, nhưng chỉ kéo dài được khoảng 3 tháng là phải dừng lại, do người dân chưa quen với việc ghi chép lưu trữ hồ sơ liên quan tới quá trình sản xuất.

“Việc dán tem truy xuất nguồn gốc khiến chi phí sản xuất tăng. Vì vậy, sau thời gian thử nghiệm và thấy người tiêu dùng không quan tâm quét mã QRcode nên hợp tác xã dừng triển khai và chỉ thực hiện dán tem thông thường”, ông Trịnh Văn Vĩnh cho hay.

Theo Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, sau gần 2 năm triển khai duy trì, phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QRcode để truy xuất nguồn gốc nông sản, đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã cấp mã tài khoản quản trị cho 2.077 cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp, cửa hàng sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn; cấp mã QRcode truy xuất minh bạch thông tin cho 236 doanh nghiệp, với tổng bộ mã truy xuất được quản lý hơn 4.000 sản phẩm. Tuy nhiên, việc triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản còn bất cập. Nguyên nhân, một phần do nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế, nhưng mấu chốt là do cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chưa nhận thức được lợi ích và hiệu quả của việc dán tem truy xuất nguồn gốc điện tử. Hơn nữa, nhiều cơ sở sản xuất ngại tốn kém chi phí khi gắn mã vạch cho sản phẩm và không muốn sản phẩm bị kiểm soát chặt chẽ...

Để thu hút các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, theo bà Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm an toàn Tâm Thành: Các sở, ngành sớm nghiên cứu tham mưu UBND thành phố Hà Nội có cơ chế khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện việc truy xuất nguồn gốc nông sản chi phí ban đầu; tổ chức đào tạo tập huấn cho cán bộ của doanh nghiệp làm nhiệm vụ dán tem, thực hiện đưa thông tin lên máy chủ để nhập dữ liệu...

Về lâu dài, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng: Cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất trong cả nước để thuận lợi cho các doanh nghiệp khi thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng mã Qrcode cho nông sản.

 

NGỌC QUỲNH

Bình luận

Tin khác