Tổng quan về quá trình sấy

Sấy là quá trình tách nước (ẩm) ra khỏi vật liệu bằng nhiệt bao gồm: bức xạ, dẫn nhiệt, đối lưu nhiệt, năng lượng điện trường cao tần.

Mục đích của quá trình sấy là làm giảm khối lượng của vật liệu, tăng độ bền và tăng thời gian bảo quản. Quá trình sấy diễn ra gồm quá trình trao đổi nhiệt và quá trình trao đổi chất. Bản chất của quá trình sấy là khuếch tán.

Một số phương pháp sấy bao gồm:

- Sấy tự nhiên: Tiến hành bay hơi bằng năng lượng tự nhiên như mặt trời, năng lượng gió…còn gọi là phơi sấy tự nhiên. Phương pháp này đỡ tốn nhiệt năng, nhưng không chủ động điều chỉnh được vận tốc quá trình theo yêu cầu kỹ thuật, năng suất thấp,…

- Sấy nhân tạo: Thường được tiến hành trong các loại thiết bị sấy để cung cấp nhiệt cho các vật liệu ẩm. Sấy nhân tạo có nhiều dạng, tùy theo phương pháp truyền nhiệt, kỹ thuật sấy có thể được phân loại như sau:

+ Sấy đối lưu (nhiệt nóng): là phương pháp sấy cho tiếp xúc trực tiếp vật liệu sấy với tác nhân sấy là không khí nóng, khói lò,…

+ Sấy tiếp xúc: là phương pháp sấy không cho tác nhân sấy tiếp xúc trực tiếp vật liệu sấy, mà tác nhân sấy truyền nhiệt cho vật liệu sấy gián tiếp qua một vách ngăn.

+ Sấy bằng tia hồng ngoại: là phương pháp sấy dùng năng lượng của tia hồng ngoại do nguồn nhiệt phát ra truyền cho vật liệu sấy.

+ Sấy bằng dòng điện cao tần: là phương pháp sấy dùng năng lượng điện trường có tần số cao để đốt nóng trên toàn bộ chiều dày của lớp vật liệu.

+ Sấy lạnh: là phương pháp sấy trong điều kiện nhiệt độ và ẩm của tác nhân sấy thấp hơn nhiều so với môi trường Nhiệt độ thấp để đảm bảo đặc tính cảm quan của sản phẩm, còn ẩm thấp để tạo ra chênh lệch ẩm, do đó ẩm trong vật liệu sẽ thoát ra ngoài dễ dàng. Ở đây ta có sấy lạnh nhiệt độ từ 0oC trở lên và sấy lạnh đông sâu hay còn gọi là sấy thăng hoa. 

+ Sấy thăng hoa: là phương pháp sấy trong điều kiện môi trường có độ chân không cao, nhiệt độ rất thấp, nên ẩm tự do trong vật liệu đóng băng và bay hơi từ trạng thái rắn thành hơi không qua trạng thái lỏng (nên gọi là thăng hoa).

+ Sấy chân không: là phương pháp sấy được vật liệu không chịu được nhiệt độ cao hay dễ bị oxy hoá, vật liệu dễ bị bụi hay vật liệu thoát ra dung môi quý cần thu hồi và vật liệu dễ nổ.

Trong quá trình sấy nguyên liệu có xảy ra những biến đổi về vật lý, hóa lý, hóa học, sinh hóa và biến đổi cảm quan liên quan đến chất lượng sản phẩm. Do đó tùy vào tính chất của từng nguồn nguyên liệu để lựa chọn phương pháp sấy thích hợp.

Bình luận

Tin khác