Thực trạng về truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam đang đặt ra thách thức mới cho nhà quản lý, doanh nghiệp trước những rào cản từ các thị trường trong nước và xuất khẩu. Tìm kiếm giải pháp quản lý truy xuất nguồn gốc hàng hóa sẽ là nội dung được trao đổi tại tọa đàm diễn ra sáng nay 13/11/2019.

Với chủ trương đẩy mạnh quản lý nhà nước đối với hoạt động truy xuất nguồn gốc nhằm chuẩn hóa quy trình, đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) – cơ quan thường trực của Đề án Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc theo Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ đã và đang triển khai nhiều công tác thúc đẩy hoạt động này.

Với mục tiêu tìm giải pháp đưa hoạt động truy xuất nguồn gốc đi vào quy củ, minh bạch, giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo, đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, đồng thời giúp sản phẩm nông sản có được tấm “giấy thông hành” xuất khẩu ra thế giới, Chất lượng Việt Nam Online phối hợp với Kênh thông tin Invest TV tổ chức tọa đàm trực tuyến: Giải pháp quản lý truy xuất nguồn gốc hàng hóa tại Việt Nam.
 

Các khách mời tham gia chương trình tọa đàm.
 

MC: Xin kính chào quý vị và các bạn đang theo dõi chương trình tọa đàm ngày hôm nay với sự phối hợp thực hiện của Chất lượng Việt Nam Online và Kênh thông tin InvestTV dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cùng sự đồng hành của đơn vị tài trợ: Công ty TNHH VN Trade.

Thưa quý vị, trong bối cảnh kinh tế hội nhập ngày càng phát triển, doanh nghiệp Việt đang đứng trước những thử thách và trở ngại rất lớn khi tiếp cận thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước bởi sự xuất hiện của sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. 

Bên cạnh đó, thị trường quốc tế ngày càng khắt khe với các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam. Để hàng xuất khẩu có thể mở rộng thị trường, đặt chân đến những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… hay quốc gia láng giềng là Trung Quốc các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản cần đảm bảo yêu cầu, quy định đưa ra từ phía nước nhập khẩu, trong đó có vấn đề truy xuất nguồn gốc.

Tại Việt Nam, thực trạng tem truy xuất QR code chưa được chuẩn hóa về nội dung và hình thức, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc chưa được thực hiện thống nhất, bài bản và có hệ thống gây nên những hoài nghi về tính chất và hiệu quả của các hệ thống truy xuất nguồn trên thị trường.

Do đó, với chủ trương đẩy mạnh quản lý nhà nước đối với hoạt động truy xuất nguồn gốc nhằm chuẩn hóa quy trình, đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng, tôi xin được trân trọng giới thiệu có sự góp mặt của các vị khách mời cùng nhau tham gia chia sẻ và phân tích trong buổi tọa đàm ngày hôm nay.

Xin được trân trọng giới thiệu: 

+ Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ KH&CN)

+ Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản – Bộ NN&PTNT

+ Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty XNK BAGICO – Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam

+ Ông Lê Đại Dương – Giám đốc Công ty  TNHH VN Trade

Cảm ơn các vị khách mời đã nhận lời tham dự chương trình!

MC: Thưa quý vị!

Trong bối cảnh khách hàng ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, truy xuất nguồn gốc là “chìa khóa” khởi tạo lại niềm tin cho người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo; đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, truy xuất nguồn gốc còn giúp sản phẩm nông sản có được tấm “giấy thông hành” xuất khẩu ra thế giới.

Tại Việt Nam truy xuất nguồn gốc là hoạt động còn khá mới và đã đem đến rất nhiều cơ hội cũng như thách thức dành cho các DN Việt. Vậy TXNG có những tác động cũng như ảnh hưởng gì đến giao thương hàng hóa của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, làm thế nào để hoạt động truy xuất nguồn gốc được triển khai hiệu quả và theo đúng tiêu chuẩn? Chương trình hôm nay chúng ta sẽ tìm câu trả lời.

MC: Vâng vừa rồi là một tổng hợp ngắn của chúng tôi về những vai trò của TXNG và thực trạng TXNG tại Việt Nam. Và để bắt đầu cuộc tọa đàm, câu hỏi đầu tiên xin được dành cho ông Lê Thanh Hòa. Thưa ông, hiện nay, tình trạng gian lận thương mại, lập lờ xuất xứ sản phẩm diễn ra khá nhiều, mức độ ngày càng tinh vi, nhất là đối với hàng hóa nông sản, gây bức xúc cho người tiêu dùng. Ông có thể nói rõ hơn về thực trạng này?

Ông Lê Thanh Hòa: Thực tế hiện nay, vấn đề gian lận xuất xứ liên quan đến nguồn gốc nông sản đang ảnh hưởng rất lớn tới thương mại giữa Việt Nam với các nước, cũng như ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Trong thương mại quốc tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc nhưng lại lấy xuất xứ Việt Nam, mặc dù các sản phẩm đó được nhập khẩu từ nước khác.
 

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản – Bộ NN&PTNT. 
 

Tuy nhiên, để làm tốt vấn đề xuất xứ hàng hóa, bản thân doanh nghiệp, người cấp C/O cho các lô sản phẩm phải ý thức được việc mình làm và xác định rõ các mặt hàng.

Đặc biệt thời gian qua, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc dẫn đến việc gian lận xuất xứ hàng hóa đối với mặt hàng nông sản cũng như nhiều mặt hàng công nghiệp khác diễn ra khá phức tạp.

MC: Tại Việt Nam TXNG là hoạt động còn khá mới, thưa bà Hương, TXNG được các quốc gia trên thế giới triển khai từ khi nào và vì sao phải truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm hàng hóa?

Bà Nguyễn Thị Mai Hương: TXNG được các quốc gia trên thế giới triển khai từ lâu. Ví dụ, ở Mỹ năm 2002, Luật chống khủng bố sinh học đã quy định về lưu trữ, hồ sơ truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Hay ở châu Âu, năm 2005, yêu cầu các nước thành viên trong EU phải thực hiện TXNG. Ở Úc, năm 2017 đã bắt đầu thực hiện họat động TXNG với sản phẩm, hàng hóa (SPHH); ở Nhật, 2005, bắt đầu thực hiện hệ thống TXNG ở thịt bò…
 

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ KH&CN). 
 

Có 3 lý do để thực hiện TXNG. Thứ nhất, đây là chìa khóa để tạo niềm tin cho khách hàng. Vì người tiêu dùng muốn thông tin về SPHH phải minh bạch, chống gian lận thương mại. Thứ hai, TXNG là xu thế thị trường, giúp các bên liên quan truy cập thông tin chính xác, thuận lợi nhất. Thứ ba, TXNG là chìa khóa để thâm nhập vào những thị trường khó tính.

MC: TXNG được coi là một công cụ để NTD có thể kiểm tra thông tin sản phẩm hàng hóa. Vậy ông đánh giá như thế nào về xu hướng sử dụng công nghệ truy xuất để chống gian lận thương mại?

Ông Lê Thanh Hòa: Để truy xuất nguồn gốc sản phẩm việc sử dụng công nghệ rất quan trọng, tuy nhiên, điều quan trọng nhất chính là tất cả thông tin về nhà sản xuất, doanh nghiệp phải được thể hiện đầy đủ trên bao bì của sản phẩm.

Chúng ta phải hiểu rõ truy xuất nguồn gốc là để trong mọi trường hợp, đặc biệt trường hợp người tiêu dùng phát hiện sản phẩm có nguy cơ mất an toàn thực phẩm lúc ấy phải truy xuất ngược trở lại nhà sản xuất. Bản thân nhà sản xuất phải có hệ thống nội bộ để truy xuất trong suốt quá trình từ nguyên liệu đầu vào của sản phẩm đến quá trình sản xuất, phân phối…

Bởi vì ở đây không chỉ liên quan đến việc chế biến, bảo quản mà còn liên quan đến vấn đề sản xuất ra sản phẩm như thế nào, sử dụng phân bón ra sao, thuốc bảo vệ thực vật… để tìm ra nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm và có biện pháp khắc phục.

MC: Các doanh nghiệp trong nước chịu sự ảnh hưởng như thế nào từ việc thắt chặt từ đối tác nước ngoài trong việc TXNG sản phẩm xuất khẩu?

Bà Nguyễn Thị Thành Thực: Tôi nghĩ rằng, việc sử dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc để thúc đẩy thương mại là xu hướng bắt buộc và buộc phải thay đổi ngay chứ không thể từ từ vì chúng ta vốn đã chậm hơn nhiều so với thế giới. Ví dụ như thị trường nông sản lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc người ta đã làm tốt truy xuất nguồn gốc từ cách đây 15 năm rồi. Bản thân sản xuất nội bộ người ta đã làm tốt từ lâu, đặc biệt là những vấn đề về chính phủ điện tử, thanh toán điện tử.

Nếu không thay đổi, không bắt kịp xu thế, chúng ta sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi.
 

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty XNK BAGICO – Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam. 
 

MC: Thực hiện TXNG sản phẩm không chỉ tạo niềm tin cho người tiêu dùng, mà còn là đòn bẩy để tăng trưởng xuất khẩu, giúp DN chinh phục được thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về TXNG hàng hóa. Ông có nhận định như thế nào về vấn đề này tại Việt Nam trong thời gian gần đây?

Ông Lê Thanh Hòa: Trong thời gian tới, việc thực thi truy xuất nguồn gốc nông sản thị trường trong nước cũng như xuất khẩu là nhiệm vụ cấp bách. Trên thực tế những năm vừa qua việc truy xuất nguồn gốc, đặc biệt với sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào châu Âu thì Bộ NN&PTNT cũng đã có những Thông tư hướng dẫn cụ thể với doanh nghiệp. Bởi để xuất khẩu thủy sản vào châu Âu thì bắt buộc phải đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Tương tự như vậy, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với các mặt hàng nông sản khác là rất cần thiết khi mà Việt Nam là một nước xuất khẩu nông sản lớn. Đặc biệt trong bối cảnh nước ta vừa tham gia gần 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác nhau.

MC: Còn ý kiến ông Dương như thế nào về vấn đề mà ông Hòa vừa trao đổi?

Ông Lê Đại Dương: Tôi cũng rất đồng ý với ý kiến của anh Hòa trong việc cần tuân thủ, áp dụng chặt chẽ truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nông sản không chỉ cho xuất khẩu mà đối với sản xuất nội bộ của Việt Nam cũng cần. Bởi vì hiện tình trạng giả nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa lưu hành không đảm bảo an toàn đến tay người tiêu dùng rất nhiều.
 

Ông Lê Đại Dương – Giám đốc Công ty  TNHH VN Trade. 
 

Có một vấn đề hiện tại tôi muốn đề cập là việc nhiều người dân không hiểu phải truy xuất nguồn gốc như thế nào là đúng nhất. Họ vẫn chỉ hiểu biết kiểu mơ hồ rằng truy xuất nguồn gốc là một sản phẩm có mã QR code. Trên thực tế không phải như vậy. Việc hiểu sai như vậy khiến họ bị một số đơn vị lợi dụng để lừa đảo và họ sẽ không phân biệt được sản phẩm truy xuất nguồn gốc thật hay giả.

Chính vì vậy, sự tham gia quản lý của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát truy xuất nguồn gốc là rất cần thiết góp phần định nghĩa rõ ràng đâu là truy xuất nguồn gốc, cung cấp kiến thức, giáo dục cho người dân nhận diện ra như thế nào là truy xuất nguồn gốc. Có như vậy mới đảm bảo thực hiện được tốt chính sách, quy định của nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

MC: Là một doanh nghiệp cung cấp giải pháp về truy xuất nguồn gốc, ông nhận thấy thực trạng DN Việt đang như thế nào trong vấn đề áp dụng TXNG sản phẩm, hàng hóa?

Ông Lê Đại Dương: Hiện tại tôi thấy có khoảng 95% sản phẩm đang được bày bán ở ngoài các siêu thị cũng như các cửa hàng được gắn mã QR code và được quảng bá đó là truy xuất nguồn gốc. Nhưng thực tế như vậy mới chỉ là truy xuất thông tin. Để đảm bảo điều kiện truy xuất nguồn gốc, chúng ta thực tế đã có thông tư, quy chế về truy xuất nguồn gốc của GS1 toàn cầu rồi. Bộ Thông tư đó rất đầy đủ và phù hợp trong việc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc.

Tôi thấy khi chúng ta đưa ra các quy định riêng về truy xuất nguồn gốc cho Việt Nam thì chúng ta nên áp dụng bộ thông tư, quy định kể trên.

MC: Bà đánh giá như thế nào về thực trạng hiện nay nhiều cơ sở sử dụng tem truy xuất nguồn gốc nhưng thực tế chỉ cung cấp những thông tin rất đơn giản. Theo bà, quy trình để thực hiện TXNG theo đúng tiêu chuẩn sẽ được thực hiện như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Mai Hương: Ở Việt Nam, hoạt động TXNG đã được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau, ví dụ: ISO 9000, ISO 2005… Tuy nhiên, hoạt động TXNG còn mang tính khép kín, chưa thống nhất và “loạn tem”… Nguyên nhân do tem truy xuất chưa thống nhất về nội dung, hình thức; sự truy xuất mới chỉ là mã nội bộ, chỉ có khả năng truy xuất trong hệ thống đơn vị đó, chưa có tính mở để kết nối với bên ngoài. Cuối cùng, chưa có quy định về trách nhiệm của các bên liên quan.

Theo tôi, quy trình thực hiện TXNG cần phải thực hiện các bước: Thứ nhất, cần khảo sát, thu thập thông tin cần TXNG; Thứ hai, thiết lập thông tin dữ liệu về TXNG; Thứ 3, về đơn vị cung cấp giải pháp thì phải thiết lập hệ thống TXNG, bao gồm: nội dung thiết lập dữ liệu, chức năng lưu giữ, chức năng sử dụng dữ liệu…; Thứ 4, sau khi xây dựng hệ thống TXNG thì phải đào tạo các đơn vị thực hiện theo hệ thống phần mềm; Thứ năm, đưa vào vận hành thực hành.

MC: Theo bà Thực, sự cần thiết có một quy trình chuẩn về truy xuất nguồn gốc sẽ mang lại lợi ích gì cho DN và người tiêu dùng?

Bà Nguyễn Thị Thành Thực: Thứ nhất, tất cả các quy định liên quan tới pháp luật thì theo tôi quy trình, mọi thứ đều phải chuẩn và thống nhất để tránh sự chồng chéo. Ví dụ như trong suốt thời gian vừa qua chúng ta có rất nhiều quy định chồng chéo giữa các đơn vị thực hiện kiểm tra, xét duyệt thủ tục với nhau. Việc có một sự thống nhất sẽ giảm phiền hà, giảm khối lượng công việc cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Thứ hai, chính người dân và doanh nghiệp cũng là những người giám sát việc thực hiện quy trình đó đối với các cơ quan quản lý. Bản thân cụm từ truy xuất nguồn gốc đã nằm trong một chuỗi từ sản xuất cho tới tiêu thụ cuối cùng. Tuy nhiên với mỗi công đoạn truy xuất nguồn gốc thì tại mỗi Bộ ngành lại có những phần quản lý khác nhau. Ví dụ khi truy xuất nguồn gốc nông sản cần chứng minh mã vùng, mã xưởng thì phía Bộ Công Thương cho rằng tất cả văn bản có rồi nhưng những cái đó lại dùng cho truy xuất nguồn gốc thực phẩm tiêu dùng trên thị trường chứ chưa phải yêu cầu mà thị trường nhập khẩu nước ngoài người ta quan tâm.

Ngay cả bản thân các bộ ngành cũng đã không có một sự thống nhất. Ví dụ như phần xuất khẩu chẳng hạn, hàng tạm nhập tái xuất qua Việt Nam và hàng giả xuất xứ Việt Nam cũng như anh Hòa đã nói. Đó là tổn hại lớn đối với sản xuất trong nước làm cho nông nghiệp Việt Nam, những nhà đầu tư sản xuất của Việt Nam gặp khó khăn. Nếu quản lý truy xuất nguồn gốc không chặt trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thì sẽ đem lại nhiều rủi ro lớn, và có thể nhiều doanh nghiệp dẫn đến phá sản.

MC: Để cùng thảo luận những vấn đề tiếp theo xin mời quý vị quay lại sau ít phút sau quảng cáo.

Giải pháp quản lý, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp TXNG

MC: Thưa quý vị và các bạn! Để hoạt động TXNG phát huy được đúng vai trò của nó, đó là minh bạch thông tin, đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng trên thị trường. Theo đó, cần phải có những giải pháp căn bản nhằm quản lý, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp triển khai TXNG một cách hiệu quả.

MC: Là đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, thưa bà Hương, đến nay Đề án này đã được Tổng cục TCĐLCL triển khai như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Mai Hương: Tổng cục đã tham mưu lãnh đạo Bộ kí, ban hành kế hoạch triển khai đề án 100. Kế hoạch tập trung 5 nhiệm vụ giải pháp, cụ thể: Hoàn thiện văn bản pháp luật, tài liệu hướng dẫn về TXNG; nghiên cứu, ứng dụng hệ thống TXNG thống nhất trong cả nước; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới để đảm bảo hoạt động TXNG có hiệu quả; thúc đẩy hoạt động hợp tác liên quan đến TNXG và thiết lập xây dựng, vận hành cổng TXNG quốc gia.

Tổng cục đã và đang phối hợp với các công ty giải pháp, nghiên cứu công nghệ mới trong đó có Blockchain, IoT, bigdata… Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng cổng TXNG quốc gia, trước mắt là nhóm rau, củ quả… Thời gian sắp tới, quý I/2020, chúng tôi sẽ ban hành những tiêu chuẩn mới về TXNG.

MC: Trước nhu cầu của thực tiễn, việc xây dựng cơ sở pháp lý cũng như tiêu chuẩn chung cho hoạt động truy xuất nguồn gốc đã được cơ quan quản lý triển khai như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Mai Hương: Để quản lý hoạt động TXNG phải có văn bản quy phạm pháp luật. Hiện, Tổng cục đã xây dựng thông tư để quản lý hoạt động TXNG. Bên cạnh đó, cần phải rà soát các văn bản quy phạm pháp luật khác, ví dụ: văn bản về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tiêu chuẩn chất lượng…

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng thành lập ban kĩ thuật, tiểu ban kĩ thuật hoặc nhóm công tác để xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về TXNG. Hiện chúng tôi đã nghiên cứu về các tiêu chuẩn toàn cầu, để xây dựng tiêu chuẩn đầu tiên đáp ứng ứng yêu cầu chung về TXNG, hội nhập quốc tế… Ngoài ra, ban kĩ thuật cũng nghiên cứu những bộ tiêu chuẩn khác về năng lực; TXNG về rau quả…

MC: Theo ông, việc đưa hoạt động TXNG vào diện quản lý sẽ mang lại những lợi ích gì cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người tiêu dùng trong nước?

Ông Lê Thanh Hòa: Khi đưa hoạt động truy xuất nguồn gốc vào diện quản lý rõ ràng sẽ mang lại lợi ích thiết thực đối với người tiêu dùng. Trước tiên giúp người tiêu dùng có thông tin rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, thứ hai minh bạch trong việc sản phẩm đó được cung cấp như thế nào đến tay người tiêu dùng.

MC: Trách nhiệm của Bộ NN&PTNT được thể hiện như thế nào trong việc thúc đẩy hoạt động TXNG tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, thưa ông Hòa?

Ông Lê Thanh Hòa: Truy xuất nguồn gốc hiện tại đang làm rất tốt đối với các sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào EU. Thời gian qua, Bộ NN&PTNT cũng đã tiến hành mở rộng truy xuất nguồn gốc sang các sản phẩm nông sản xuất khẩu khác, đặc biệt theo yêu cầu thị trường Trung Quốc về cung cấp mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói dựa trên đó để truy xuất ngược trở lại khi xuất hiện vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, đối với các thị trường lớn khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản… việc truy xuất nguồn gốc là bắt buộc. Nếu chúng ta không đáp ứng được những yêu cầu này thì việc mở rộng và phát triển thị trường mới rất khó khăn.

MC: Tình trạng mỗi nơi làm một kiểu khiến cho hoạt động TXNG không đồng bộ hóa, không kết nối với cơ sở dữ liệu của GS1 toàn cầu. Điều này khiến DN gặp nhiều bất lợi khi tham gia các hoạt động xuất khẩu. Theo bà cần phải làm gì để việc chuẩn hóa quy trình TXNG được các DN triển khai, áp dụng?

Bà Nguyễn Thị Thành Thực: Tôi nghĩ rằng quy trình truy xuất nguồn gốc để phù hợp với những thông lệ quốc tế đặc biệt là cơ sở dữ liệu GS1 toàn cầu là mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp. Bởi nếu lấy ví dụ thị trường Úc hay Niu Di Lân nếu như hôm nay chúng ta đưa ra một quy định để chạy theo người ta, sau đó quay trở lại với thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật thì vấn đề đàm phán, thống nhất các quy định để liên thông với GS1 toàn cầu sẽ khó khăn và không doanh nghiệp nào làm chuyện đó.

Doanh nghiệp chúng tôi chỉ là người thực hiện những điều đó và cùng các cơ quan nhà nước, ví dụ phía Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học & Công nghệ đã có bộ tiêu chuẩn cho GS1 toàn cầu. Nhưng ngược lại GS1 còn liên quan tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. GS1 của Việt Nam có thể đàm phán với các thị trường nhưng Bộ NN&PTNT là đơn vị cấp mã vùng trồng trọt chẳng hạn thì phải có sự thống nhất, thống nhất ngay từ quy định văn bản.

Ví dụ đối với thị trường Trung Quốc, thị trường mà chúng tôi xuất khẩu nhiều nhất thì phía Trung Quốc có yêu cầu hai năm nay nhưng lại chưa có thông báo về quy định cụ thể, người ta cũng rất mở để phía Việt Nam đàm phán xem quy định ra sao, nhưng khi hỏi tới Bộ NN&PTNT thì mới biết các mã vùng đang được công nhận truy xuất nguồn gốc lại căn cứ theo tiêu chuẩn của Úc và Niu Di Lân. Nếu cứ căn cứ theo những tiêu chuẩn này thì có nhiều điều không phù hợp thực tế Việt Nam.

Về vấn đề này tôi cho rằng phía Bộ NN&PTNT cần có sự hợp tác với GS1 Việt Nam để đưa ra quy định thống nhất. Nếu làm sớm sẽ giúp thị trường Việt Nam tránh được những va chạm. Đặc biệt tôi muốn nói về Luật Trồng trọt bắt đầu từ 1/1/2020 thi hành trong đó phải đặc biệt lưu ý điều 64 của Luật này quy định về quản lý và truy xuất mã vùng đối với nông sản sản xuất tại Việt Nam.

Chúng ta phải đáp ứng quy định của thị trường xuất khẩu nhưng ngược lại cũng phải chú ý điều 78 của Luật quy định về truy xuất nguồn gốc của những sản phẩm nông sản nhập khẩu vào Việt Nam. Đó là Luật đã được Quốc hội thông qua. Tất cả những điều này cho thấy ta cũng bình đẳng như đối tác, họ có yêu cầu quy định đối với sản phẩm của ta thì ta cũng phải có quy định tương đương quản lý sản phẩm nhập từ họ.

Một vấn đề nữa tôi muốn nói ở đây là việc Luật trồng trọt sắp được đưa vào thực hiện nhưng các bộ ngành, cơ quan địa phương hiện lại chưa có văn bản để hướng dẫn cụ thể, đồng bộ về việc thi hành Luật. Đó là thiệt thòi cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Vấn đề này chúng ta cần có để đáp ứng thực tiễn.

MC: Giải pháp của VnTrade có điểm gì nổi bật để hỗ trợ các DN sản xuất cũng như xuất khẩu thực hiện TXNG đảm bảo tiêu chuẩn theo đúng thông lệ quốc tế?

Ông Lê Đại Dương: Doanh nghiệp chúng tôi đã làm về truy xuất nguồn gốc được khoảng 3 năm. Công nghệ mà VnTrade xây dựng cũng bám sát rất chặt vào bộ tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc của GS1 toàn cầu. Như tôi đã đề cập trước đó, hiện tại đa số người tiêu dùng vẫn chưa hiểu rõ thế nào là truy xuất nguồn gốc chứ chưa nói đến chuyện hiểu thế nào là truy xuất nguồn gốc chuẩn. Truy xuất nguồn gốc chuẩn phải đảm bảo các yếu tố như sau:

Thứ nhất là chuỗi liên kết giá trị sản phẩm. Khi truy xuất nguồn gốc có nghĩa chúng ta truy được sản phẩm đó có quá trình hình thành như thế nào, quá trình luân chuyển ra sao. Khi truy xuất chúng ta phải thấy được toàn bộ chuỗi quá trình mà tất cả các đơn vị tham gia vào việc tạo ra sản phẩm.

Thứ hai, thông tin của sản phẩm khi truy xuất phải thể hiện giống như đã công bố lưu hành.

Thứ ba cần có sự kiểm tra, giám sát của bên thứ ba trong toàn bộ chuỗi quá trình tạo ra sản phẩm đó bao gồm những gì. Ví dụ như các giấy tờ kiểm định, kiểm nghiệm, các giấy chứng nhận về chất lượng, các loại giấy đánh giá. Đó là tất cả hồ sơ của bên thứ ba và cũng là một phần trong chuỗi liên kết đó.

Thứ tư cần phải có nhật ký điện tử về toàn bộ quá trình hình thành ra sản phẩm. Đây là một tài liệu quan trọng để chứng minh toàn bộ quá trình tạo ra cũng như luân chuyển sản phẩm (ví dụ thông tin trồng loại giống gì, trồng ở đâu, sử dụng loại phân gì, quá trình sơ chế biến ra sao) có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không, trong quá trình vận chuyển hàng hóa được bảo quản ra sao, có ảnh hưởng tới chất lượng hay không. Trong quá trình vận chuyển đến tay người tiêu dùng có bị biến đổi về chất lượng hay không. Nếu trong quá trình trên chất lượng sản phẩm bị biến đổi thì chúng ta có thể thông qua truy xuất nguồn gốc để xác định chính xác vấn đề nằm ở đâu để chúng ta có thể quy trách nhiệm. Khi quy được trách nhiệm sẽ nâng cao ý thức của toàn bộ những người tham gia chuỗi đó.

Cũng phải nói thêm rằng nông dân của chúng ta trình độ sử dụng công nghệ chưa cao nếu công nghệ truy xuất nguồn gốc quá phức tạp thì không thể áp dụng được. Chúng ta phải làm cách nào đó để ngay cả những người nông dân bình thường, chỉ cần biết sử dụng điện thoại thông minh là sử dụng được để truy xuất nguồn gốc, tham gia được chuỗi giá trị truy xuất nguồn gốc.

Lợi thế của công nghệ do VnTrade cung cấp mang lại sự trải nghiệm thực tế, chúng tôi cũng có những khách hàng là nông dân nên chúng tôi hiểu được người nông dân họ cần gì. Chúng tôi đã tạo ra phần mềm mà tất cả nông dân đều đọc, theo dõi được quá trình tạo ra sản phẩm đó. Mỗi thông tin ngay lập tức có thể cùng đưa lên mạng để mọi người cùng kiểm tra, giám sát. Thông tin được công khai để không chỉ cơ quan nhà nước có thể kiểm tra mà các thành viên khác trong chuỗi cũng kiểm tra giám sát được.

Đối với trường hợp người dân không biết dùng điện thoại chúng tôi còn có đội ngũ giám sát, đội ngũ kỹ thuật. Khi họ xuống vườn của người nông dân họ kiểm tra tình trạng bệnh, tình trạng cây trồng thì họ cũng ghi chép và có một tài liệu giống như nhật ký điện tử về hiện trạng của sản phẩm sau đó thông báo đến người nông dân, sau đó người nông dân xác nhận lại thông tin về tình trạng của sản phẩm do họ trồng.

Một lợi ích nữa là khi truy xuất nguồn gốc rõ ràng thì là công cụ marketing rất hiệu quả để chứng minh cho mọi người biết là tôi làm rất chuẩn, sản phẩm của tôi chất lượng cao, có thể chứng minh được nguồn gốc, có đầy đủ thông tin về quy trình tạo ra sản phẩm. Mọi người hàng ngày có thể vào hệ thống thông tin truy xuất để xem tình trạng vườn sản phẩm giống như mọi người là chủ của vườn sản phẩm. Công nghệ này cũng đặc biệt khiến người nước ngoài hài lòng khi những thông tin họ cần về sản phẩm đều có, họ có thể ngồi tại nước họ để xem và đánh giá những vườn sản phẩm của đối tác cung cấp cho họ tình trạng ra sao vì thông tin từng ngày luôn được công khai qua hệ thống.

Gần đây, chúng tôi đã hợp tác với tập đoàn ICCC (Trung Quốc) trong việc kiểm tra, đánh giá tất cả các vùng sản xuất, nhà xưởng cung cấp các sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc, làm đại diện cho họ cung cấp tem truy xuất nguồn gốc cho các mặt hàng nông sản xuất sang Trung Quốc. Thật may mắn vì họ đồng tình với giải pháp mà chúng tôi đưa ra và tin tưởng lựa chọn chúng tôi là đơn vị đại diện thực hiện kiểm tra giám sát đánh giá các vùng nguyên liệu cho họ.

Đến thời điểm hiện tại chúng tôi đã cung cấp hệ thống phần mềm, cổng thông tin truy xuất nguồn gốc cho 6 tỉnh trên cả nước và đang áp dụng rất tốt. Đa phần các tỉnh sử dụng để quản lý tất cả các vùng sản xuất trong tỉnh đó đồng thời họ giám sát toàn bộ đội ngũ kỹ thuật xem họ làm việc với ai, nông dân nào. Trên hệ thống còn có phần mềm như mạng xã hội để cho tất cả người dân cũng như đơn vị quản lý, thành phần chuỗi có thể tương tác trao đổi, môi trường để học hỏi trao đổi kinh nghiệm mục đích để tạo ra sản phẩm tốt phục vụ trong nước và xuất khẩu.

MC: Là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách của các nước nhập khẩu, đặc biệt là trong vấn đề truy xuất nguồn gốc, theo kinh nghiệm của bà các DN Việt Nam sẽ phải làm gì để vượt qua các rào cản này?

Bà Nguyễn Thị Thành Thực: Tôi nghĩ rằng không chỉ riêng Trung Quốc mà rất nhiều nước cũng như người tiêu dùng đều đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải làm thật và minh bạch. Bởi vì công nghệ thông tin ngày càng phát triển và đang có rất nhiều công cụ miễn phí cho người dân để họ có thể giám sát được hàng có thật hay không.

Cho nên cái đầu tiên là phải minh bạch, thật sự. Anh có thể đổ tiền vào làm, có thể che mắt người ta một hai ngày nhưng không thể gian dối mãi. Nếu một ngày chỉ cần một thông tin người tiêu dùng phát hiện ra rằng anh làm không thật thì thương hiệu của anh sẽ hoàn toàn sụp đổ. Việt Nam cũng đã có những trường như vậy rồi cho nên đứng ở góc độ doanh nghiệp tôi nghĩ rằng chúng ta có thể chậm một chút, tốn kém chi phí ban đầu một chút nhưng về nguyên tắc chúng ta phải làm thật. Để làm thật chúng ta phải tuân thủ pháp luật kể cả đó là quy định của nước sản xuất hay nước nhập khẩu.

Với thị trường Trung Quốc hiện nay, mặc dù họ đã thông báo về quy định áp dụng với 9 loại nông sản trái cây của Việt Nam nhưng phải nói thật là người ta chưa làm chặt chẽ chưa đúng theo quy định người ta đưa ra bởi vì nếu như vậy, bản thân việc cấp mã vùng trồng của Việt Nam chưa đạt được 1%. Căn cứ trên dữ liệu của Trung Quốc chúng ta có khoảng 1 triệu ha trái cây nhưng chúng ta mới cấp mã vùng chưa được 1%.

Trong 9 loại nông sản trái cây tôi đề cập phải đáp ứng truy xuất nguồn gốc thì Trung Quốc mới chỉ làm với dưa hấu nhưng làm chưa đến nơi đến chốn, vẫn còn khá mở nhẹ nhàng cho Việt Nam. Việc người ta làm theo kiểu “mắt nhắm mắt mở” như vậy sẽ tạo ra một tình huống cực kỳ nguy hiểm cho người Việt Nam và gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu như chúng tối.

Chúng ta cứ nghĩ rằng ngay bản thân chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước đôi khi cũng nói rằng “người ta có đòi hỏi gì đâu, hàng vẫn xuất khẩu ầm ầm, ngày nào cũng vài tram container”. Chúng ta cực kỳ chủ quan trong khi luật pháp người ta đã có quy định rồi, đã thông báo với chúng ta rồi.

Chẳng may có thể một ngày cơ quan quản lý nhà nước của người ta đến cửa khẩu kiểm tra việc thực hiện đó, người ta thấy không đúng quy định, lúc đó sẽ ùn ứ hàng trăm, hàng nghìn container. Bấy giờ bắt đầu mới liên quan tới cả các bộ ngành, chính phủ đều phải vào cuộc đàm phán, giải cứu nông sản ùn ứ. Chính phủ cũng phải kiểm tra các bộ ngành, các địa phương xem đã thông báo, hướng dẫn người dân thực hiện quy định của nước nhập khẩu đến đâu. Chúng ta không thể chủ quan, phải làm nghiêm túc việc truy xuất nguồn gốc để tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.

MC: Là doanh nghiệp đang triển khai hệ thống TXNG cho các doanh nghiệp, ông có kiến nghị gì với các cơ quan chức năng để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này thời gian tới?

Ông Lê Đại Dương: Chúng tôi là đơn vị thực hiện cung cấp giải pháp và chịu trách nhiệm trong việc triển khai truy xuất nguồn gốc, chịu quy định về truy xuất nguồn gốc. Trên thực tế có nhiều đơn vị đang làm theo mảng giống như chúng tôi nhưng mỗi đơn vị có một hướng khác nhau, chưa có quy định rõ ràng thống nhất về truy xuất nguồn gốc.

Tôi cho rằng thời gian tới cần phải xác định rõ thế nào là truy xuất nguồn gốc thật, các yếu tố nào cần để thực hiện truy xuất nguồn gốc chuẩn, quy trình kiểm gia giám sát lại việc truy xuất nguồn gốc. Chính phủ cần có quy định nhanh chóng, cụ thể, rõ ràng về truy xuất nguồn gốc, đánh giá lại xem đơn vị nào đang xây dựng phù hợp với quy định và có đủ năng lực xây dựng các giải pháp truy xuất nguồn gốc.

Tiếp đó là phải có quy định cụ thể về các đơn vị có năng lực kiểm tra, đánh giá về truy xuất nguồn gốc cũng như thực hiện đúng quy trình đánh giá về truy xuất nguồn gốc. Khi tất cả mọi quy định đều rõ ràng, bắt buộc mọi người làm theo, có sự giám sát của cơ quan nhà nước thì lúc đó việc thực hiện truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam sẽ diễn ra thuận lợi, sản phẩm làm ra sẽ có giá trị cao do chất lượng đã được chứng minh. Điều này còn làm nên thương hiệu hàng Việt Nam xuất khẩu, tạo sự tin tưởng của người tiêu dùng trên toàn cầu.
 

Ông Trần Văn Dư – Giám đốc Trung tâm Thông tin – Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Tổng biên tập Chất lượng Việt Nam Online tặng hoa các vị khách mời.

MC: Thưa quý vị và các bạn!

Trước vấn nạn như hàng giả, hàng nhái, hàng lưu thông không có nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm chứa chất cấm, độc hại ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng, TXNG được xem như giải pháp để giải quyết vấn nạn trên. Truy xuất nguồn gốc đang trở thành vấn đề nóng được quan tâm trên toàn cầu.

Đặc biệt, đối với xuất khẩu, việc ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc hàng hóa sản phẩm, giúp người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó giúp DN hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.

TXNG sẽ giúp các bên minh bạch thông tin về sản phẩm và hàng hóa, đồng thời chống gian lận thương mại, truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác. Phát hiện điểm không hợp lý để chủ động cải tiến, khắc phục, tăng năng suất, chất lượng và đặc biệt giúp cho doanh nghiệp tiến thêm một bước trong việc thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế của sản phẩm Việt Nam.

Xin cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị và các bạn.

Cảm ơn các vị khách mời cũng như sự hỗ trợ đồng hành của VN trade.

Xin kính chào và hẹn gặp lại trong các chương trình tọa đàm sau.

Thay mặt những người làm chương trình một lần nữa xin được cảm ơn các vị khách mời và ngay sau đây đại diện cho ban tổ chức, ông Trần Văn Dư – Giám đốc Trung tâm Thông tin – Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Tổng biên tập Chất lượng Việt Nam Online có bó hoa gửi tặng các vị khách mời trong chương trình hôm nay, xin kính mới ông.

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Bình luận

Tin khác